Culture Newfeeds
Văn hóa streetwear mở ra kỷ nguyên mới cho ngành thời trang?
24/09/2019 11:45
Vài năm gần đây, trên các sàn diễn lớn nhỏ khác nhau, những thiết kế mang hơi hướm văn hóa streetwear (thời trang đường phố) xuất hiện ngày một dày đặc. Nhiều nhà mốt vốn từng rất nổi tiếng với tư tưởng bảo thủ như Louis Vuitton hay Balenciaga cũng bắt đầu liều lĩnh hơn trong việc lựa chọn những chuyên gia thời trang streetwear nắm giữ vị trí Giám đốc sáng tạo cho hãng.
Streetwear giờ đây không còn là xu hướng tạm thời, nó được xem như sự rẽ hướng kinh doanh bắt buộc phải làm của các hãng thời trang vì khách hàng Millennials đang chiếm ưu thế trên thị trường.
Streetwear là gì?
Bắt nguồn từ năm 1980, trào lưu streetwear hiện hữu trong những câu lạc bộ trượt ván. Các thành viên thường tạo cho mình một phong cách riêng, để người đối diện nhận ra họ là ai.
Thời điểm đó, streetwear được định nghĩa là những người đam mê trượt ván, diện trang phục mang tinh thần đường phố đặc trưng như sneakers, hoodie, áo thun in hoạ tiết... Phong cách streetwear mang sự đa dạng khi nó có thể là biến thể từ active-wear (thời trang thể thao), army-wear (đồ lính), polo... cho đến những món đồ chịu ảnh hưởng của văn hoá hip-hop, urban hay skateboarding...
Hiểu được mong muốn của dân skater, Stüssy đã sáng tạo các thiết kế áo thun in những chữ viết nguệch ngoạc mang âm hưởng đường phố. Thương hiệu đã tạo sự tin tưởng, giúp giới trẻ biết đến nhiều hơn về streetwear.
Sinatra Jr. chia sẻ với Complex: "Đó là sự khởi đầu từ Stüssy, một thương hiệu đã định nghĩa về streetwear". Stüssy không tạo ra nền văn hóa thời trang đường phố, nhưng họ biết cách gắn kết những người đam mê lại với nhau.
A Bathing Ape, AAPE (Nigo) cũng góp phần không nhỏ vào sự phát triển làn sóng streetwear. "Nếu Stüssy mở đầu cho kỷ nguyên về trang phục đường phố, thì Bape lại mang tầm ảnh hưởng đến thế giới", Paul Mittleman - Giám đốc sáng tạo của hãng chia sẻ với Marx.
Sự kết nối với phong trào hip-hop là chìa khóa dẫn tới thành công của streetwear bởi quần áo giúp người mặc thể hiện được niềm đam mê của bản thân.
Tranh cãi xoay quanh nền văn hóa streetwear
Vào năm 2017, công ty Bain & Company thực hiện báo cáo về sự sang trọng của người tiêu dùng, họ nhận thấy thương hiệu thời trang cao cấp bắt đầu quan tâm đến văn hóa streetwear. Sự mở rộng khoảng 10% thị trường sneakers cao cấp trong giai đoạn năm 2016 - 2017 đạt 3.5 tỷ euro; và sản phẩm áo thun mở rộng 25% thì trường cũng đạt doanh thu 2.5 tỷ euro. Federica Levato, nhân viên Bain & Company chia sẻ: "Có hai yếu tố dẫn đến điều này đó là xu hướng bình thường hóa những thiết kế trang phục đắt tiền và sự quan trọng của thế hệ Millennials".
Tệp khách hàng thuộc ở độ tuổi 8X trở xuống ngày càng đông. Đây là nhóm người tiêu dùng đặc biệt không thích những gì quá cổ điển và cứng nhắc, muốn sở hữu những món đồ có tính ứng dụng cao mà vẫn sang trọng, thích chạy theo xu hướng độc lạ. Chính những điều đó góp phần cho sự bùng nổ của streetwear, thúc đẩy doanh số các mặt hàng xa xỉ tăng 5% (khoảng 309 tỷ đôla Mỹ trong năm 2018).
Trong quý III năm 2018, nhiều thương hiệu mới mới góp mặt vào danh sách bình chọn của Lyst đều là thời trang đường phố: Off-White, Stone Island, Moncler và Raf Simons. Đây cũng là lần đầu tiên những cái tên này được sánh ngang hàng với nhiều nhà mốt lâu đời. Giới chuyên môn đã tranh cãi về điều này khá gây gắt vì họ cho rằng thời trang phải mang tinh thần cao cấp, trong khi đó streetwear chỉ là nền văn hóa đường phố.
Show diễn Thu Đông 2017 của nhà mốt Louis Vuitton kết hợp cùng Supreme. |
Sự việc còn bùng nổ hơn khi đại diện của thương hiệu streetwear Supreme ngồi trên hàng ghế đầu trong show Louis Vuitton Xuân – Hè 2017. Nửa năm sau, nhà mốt Pháp chính thức bắt tay với Supreme ra mắt bộ sưu tập dành cho nam giới với sự chỉ trích từ nhiều chuyên gia thời trang.
Biên tập viên của New York Times - ông Guy Trebay nhận định: "Không có gì nguy hại hơn việc kết hợp này. Đó là phiên bản thời trang của một vụ tự sát". Bất chấp sự công kích từ phe bảo thủ, sức nóng của các bộ sưu tập mang tinh thần streetwear của Louis Vuitton x Supreme vẫn lan rộng khắp nơi trên thế giới, thu về 23 tỷ doanh thu cho thương hiệu.